Post

Bàn về những thách thức của ngành ATTT năm 2024

Năm ngoái, tôi đã viết 1 bài có tên “Bàn về nhu cầu việc làm trong ngành An toàn thông tin nước nhà”. Năm nay, nhân dịp tổ chức ICS2 tiếp tục công bố báo cáo về những thách thức từ ảnh hưởng kinh tế, cách biệt năng lực chuyên môn, làn sóng AI tác động tới lực lượng ATTT toàn cầu (Global Cybersecurity Workforce), tôi xin đưa ra 1 số góc nhìn mang tính chủ quan cá nhân về báo cáo này, và đưa ra 1 số liên hệ với thị trường lao động ATTT tại Việt Nam.

Báo cáo sử dụng số liệu từ 14,865 nhân sự khắp thế giới, từ Bắc Mỹ đến Châu Á, Châu Mỹ La-tinh, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi. Mọi người có thể tải xuống bản báo cáo ở đường dẫn.

Tổng quan

Năm 2023 vừa qua là 1 năm gánh chịu nhiều áp lực về kinh tế sau đại dịch Covid19, khiến kinh tế toàn cầu rơi vào bất ổn (cắt giảm ngân sách dẫn tới lay-off, thất nghiệp,…). Bên cạnh đó, những công nghệ mới sinh ra để phù hợp với thực tế (làm việc remote, …), đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra những thách thức lớn đối với lực lượng nhân sự lao động. Bao gồm chuyển dịch hạ tầng, thiếu hụt kỹ năng, … Xung đột ở Ukraine, Israel cũng là các điểm nóng về tấn công mạng.

Tuy nhiên, ICS2 báo cáo rằng, số lượng nhân sự ATTT tăng 8.7%, nhưng nhu cầu về nhân sự vẫn đang bị thiếu hụt (Workforce GAP tăng 12.6% so với năm 2022). Tỉ lệ nhân sự ANM đã bị cắt giảm trong năm 2023 là 22%. Con số 47% là tỉ lệ nhân sự có nguy cơ đối mặt với việc bị sa thải. Việc sa thải nhân sự tiềm ẩn các nguy cơ về insider threat (nhân sự bán thông tin, hoặc quay trở lại tấn công/tiếp tay tấn công công ty, …) ngày càng gia tăng (x3).

Hầu hết mọi người được hỏi đều trả lời rằng tổ chức mình thiếu hụt nhân viên, lực lượng hiện tại thì thiếu những kỹ năng, kiến thức cần thiết (như Zero Trust, AI/ML, …). Tình trạng báo động này dự kiến tồn tại ít nhất trong 2-3 năm tới. Các doanh nghiệp đang khắc phục điều này bằng cách tổ chức đào tạo, hoặc duy trì kinh phí cho việc hỗ trợ nhân viên mua các khoá học, chứng chỉ chuyên môn,… Họ cho rằng Threat Landscape (bối cảnh mối đe dọa) đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm vừa qua. Dẫn tới việc các tổ chức đang bị đe doạ nghiêm trọng trước các nguy cơ mất ATTT.

ICS2 cũng đưa ra các chỉ số báo cáo về lực lượng mới tham gia vào ngành ATTT (<=1 năm), cho thấy sự năng động & hứa hẹn trong tương lai. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng vẫn đánh giá cao khả năng & kinh nghiệm thực tế hơn so với trình độ học vấn

Workforce Gap

Theo ước tính, năm 2023 cả thế giới cần khoảng 5.5 triệu nhân sự ANM (tăng 8.7% so với năm 2022), trong số đó, tỉ lệ nhu cầu tăng trưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là cao nhất (11.8%)

2024-workforce-global.png

Tuy nhiên, lực lượng nhân sự hiện có không đáp ứng được nhu cầu thực tế, workforce gap vẫn tăng 12.6% so với 2022, ước tính thiếu hụt 4 triệu nhân sự ANM. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực nóng nhất khi thiếu hụt khoảng 2.7 triệu nhân sự (tăng 23.4% so với năm ngoái)

2024-workforce-gap-global.png

Dễ thấy Việt Nam cũng là một quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lại là một điểm nóng trong khu vực về tình hình ANM, tỉ lệ thiếu hụt của Việt Nam chưa có con số cụ thể nhưng tôi nghĩ cũng chiếm một phần lớn trong con số 2.7 triệu này. Đặc biệt là những nhân sự chuyên môn cao. Cá nhân tôi cũng đang tuyển dụng một số bạn làm về Cyber Defense nhưng 1 năm qua không tuyển mới được ai. Công ty cũ của tôi (top đầu Việt Nam về ANM) cũng gặp không ít khó khăn trong việc chiêu mộ nhân tài. Chưa kể việc những nhân sự giỏi, chuyên môn cao đang có xu hướng làm việc cho các công ty nước ngoài. Tôi cũng không biết đó có được coi là chảy máu chất xám hay không!?

2024-staff-shortage.png

Cách biệt về kỹ năng, năng lực chuyên môn - Skill Gap

Việc thiếu hụt nhân sự không đồng nghĩa rằng việc sa thải, cắt giảm không xảy ra. Khi mà ảnh hưởng của suy thoái kinh tế bao trùm lên các công ty khắp thế giới. Việc cắt giảm nhân sự hoặc chi phí cho việc đào tạo, tuyển mới nhân sự làm gia tăng áp lực lên đội ngũ nhân sự ATTT hiện tại trong công ty.

2024-workforce-effect.png

71% những người được hỏi trả lời rằng họ phải làm nhiều việc hơn. Việc phải xử lý nhiều công việc + đối mặt với nhiều nguy cơ ATTT hơn dễ làm giảm hiệu suất làm việc, giảm trải nghiệm nhân viên,… Chưa kể tới việc, cắt giảm nhân sự gây ra tình trạng tồn tại những cách biệt về năng lực chuyên môn trong team.

Tỉ lệ cách biệt về năng lực chuyên môn xảy ra ở khắp mọi nơi, chiếm khoảng 92% số người trả lời.

2024-skill-gap.png

58% trong số này tin rằng, nếu giải quyết được skills gap thì có thể khắc phục được vấn đề thiếu hụt nhân sự. Skills gap không chỉ dừng lại ở công việc chuyên môn, mà cả những kỹ năng mềm như thuyết trình, báo cáo, giao tiếp, … Và khó khăn hơn khi các công nghệ mới liên tục được áp dụng/triển khai trong lĩnh vực ANM như Cloud computing security, AI/ML, ZeroTrust implementation, …

2024-skill-gap-detail.png

Tất cả những yếu tố này cấu thành lên việc không phát huy hết giá trị của nhân sự trong team, vì nếu trình độ mọi người trong team là tương đồng nhau/cách biệt không quá lớn, tôi nghĩ tất cả mọi việc có thể cross-function, hay có một thuật ngữ khác là tier-less. Mọi người đều có thể hỗ trợ, share tải công việc cho nhau, mà vẫn đảm bảo về chất lượng công việc.

2024-skill-gap-causes.png

Có rất nhiều nguyên nhân cho việc cách biệt về kỹ năng, như: không đủ ngân sách tuyển người giỏi, người giỏi nghỉ không tuyển thay thế được, đào tạo nhân sự… Cá nhân tôi nghĩ lí do chính vẫn là con người. Nếu chúng ta luôn tạo ra được những lứa sinh viên (lực lượng lao động ANM tương lai) giỏi, tiềm năng, thì rất dễ giải quyết bài toán này. Câu hỏi là: “Làm thế nào để đào tạo ra nhiều thật nhiều hơn nữa những sinh viên ATTT xuất sắc?”. (Blog này được tạo ra với mong muốn nhỏ nhoi là góp sức thúc đẩy nền ATTT nước nhà. Hỗ trợ, cổ vũ, tạo động lực cho các bạn sinh viên, những người mới tiếp cận tới ATTT.)

Nếu các bạn sinh viên có quyết tâm, say mê với ATTT, chẳng mấy chốc mà Việt Nam ta thành cường quốc trong khu vực với lực lượng ATTT thiện chiến, chuyên môn cao. Chúng ta hoàn toàn có cơ hội. Tôi tin là nhiều người cũng mong muốn điều này như tôi. Thật là một kịch bản đẹp!

Mức độ hài lòng của nhân sự - EX

Employee Experience - hay còn gọi là “Mức độ hài lòng của nhân sự” là một chỉ số rất hay mà tôi nghĩ ở Việt Nam chắc rất ít tổ chức triển khai được (tôi biết 1 tổ chức mới manh nha triển khai từ đầu 2023).

Hệ thống xếp hạng trải nghiệm NV được ICS2 đưa ra vào năm ngoái, nhằm phản ánh những tác động ảnh hưởng tới trải nghiệm của nhân sự trong lĩnh vực ANM. Hệ thống bao gồm nhiều yếu tố chính, như sự gắn kết, tỉ lệ căng thẳng chán nản (burnout), sự ghi nhận công bằng,…

2024-ex-rating.png

Đáng báo động khi số lượng nhân sự có trải nghiệm tệ đang tăng mạnh, từ 31.7% năm 2022 lên 36.9% năm 2023. Tuy nhiên, rating trung bình của EX chỉ giảm nhẹ, từ 51.75 xuống 51.49.

2024-ex-issues.png

Nguyên nhân chủ yếu được phản ánh là do nhân sự có quá nhiều task, do thiếu hụt nhân sự & cách biệt kỹ năng dẫn đến việc phải đảm nhiệm nhiều công việc/thách thức hơn, không được support/ghi nhận từ quản lý, làm nhiều lương thấp, trách nhiệm càng cao thì stress càng lớn, chính sách công ty chưa phù hợp,…

Nhìn nhận lại vấn đề này, tôi nghĩ những người làm quản lý đội nhóm cần nghiêm túc đánh giá mức độ hài lòng của nhân sự trong team. Tôi đang cố gắng duy trì định kỳ hằng tuần review & retrospective để ghi nhận mức độ hài lòng của mọi người. Hằng tháng tổ chức 1vs1 meeting để nắm bắt tâm lý, cảm nhận cá nhân, quản lý nhận xét nhân viên, nhân viên nhận xét quản lý (1 dạng khác của phê bình và tự phê bình chăng?).

Mục đích của những việc này là kịp thời nhận ra nếu có vấn đề làm giảm mức độ hài lòng của nhân viên với công việc/quản lý, trên tinh thần đóng góp, xây dựng vì mục tiêu chung. Đây là một việc khó, nhưng thực sự cần thiết. Để làm được điều này, tôi nghĩ các tổ chức cần tạo được một môi trường lành mạnh để nhân viên có thể thoải mái chia sẻ tâm tư, cảm nhận của bản thân một cách cởi mở, chân thực nhất.

Kỳ vọng về lứa nhân sự tương lai - Future Cybersecurity Workforce

Theo báo cáo của ICS2, đa phần những nhân sự dưới 40 tuổi tham gia vào thị trường lao động ngành ATTT là do yêu thích/đam mê với ngành này, cảm thấy công việc hữu ích có nhiều hứa hẹn phát triển, thù lao cao.

2024-enter-sec.png

Cá nhân tôi nghĩ, nếu bạn là một sinh viên đang đi học, hoặc một nhân sự có ý định chuyển hướng sang làm ATTT, thì quan trọng nhất là sự say mê với công việc/lĩnh vực ATTT. Một nhân sự tốt là một nhân sự luôn cố gắng phát triển, say mê, hết mình với công việc, yêu thích sự thử thách để trau dồi bản thân. Tôi đánh giá những người như vậy là những ứng cử viên rất tiềm năng.

Kỹ năng chuyên môn có thể trau dồi theo năm tháng, nhưng mindset, tư tưởng, phong cách làm việc thì rất khó (hoặc thậm chí là không thay đổi)!

Chúc cho nền ATTT nước nhà ngày càng có thêm nhiều những nhân sự tốt, chất lượng cao!

This post is licensed under CC BY 4.0 by the author.