Post

Bàn về nhu cầu việc làm trong ngành An toàn thông tin nước nhà

Dạo gần đây khi nói chuyện với 1 số người quen, tôi thấy làn sóng lay-off bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, ngay chính ngành Cyber Security - ngành mà nhiều người nghĩ sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất bởi suy thoái sinh tế.

Chính vì thế, tôi viết bài viết này để trình bày 1 số quan điểm cá nhân về nhu cầu việc làm trong ngành Cyber Security nước nhà.

Trước khi đi vào nội dung bài viết, tôi xin giải thích 1 số từ ngữ:

Workforce: Lực lượng lao động

Demand: Nhu cầu = Tổng nhu cầu - Lực lượng nhân sự đang làm việc

Supply: Nguồn cung = Lượng nhân sự mới - Nhân sự nghỉ việc

Workforce GAP = Demand - Supply

Tình hình thế giới

Theo khảo sát của tổ chức ICS2 về lực lượng lao động trong lĩnh vực An toàn thông tin năm 2022, dự kiến có khoảng 4,7 triệu nhu cầu việc làm trên toàn thế giới, tăng 11% so với năm 2021. Các bạn có thể xem tại đây)

workforce-estimate-global.png

Dễ thấy, ngành An toàn thông tin đang rất nóng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), bởi đây là nơi có tỉ lệ nhu cầu nhân sự làm về ATTT tăng cao nhất (15,6%) trong năm qua.

workforce-estimate-country.png

Cũng theo khảo sát này, ICS2 cho biết, đã có khoảng 464 nghìn nhân sự mới tham gia vào lĩnh vực An toàn thông tin trong năm 2022. Nhưng con số này là không đủ so với nhu cầu. Cụ thể, trong năm 2022, toàn thế giới cần thêm khoảng 3,4 triệu nhân công (tăng 26,2% so với năm 2021) (GAP). Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần thêm 2,1 triệu (tăng 52,4% so với năm 2021) nhân sự ngành An toàn thông tin mới đáp ứng đủ nhu cầu công việc.

workforce-gap-global.png

Tại Việt Nam

Thật tiếc là số liệu của ICS2 chưa có thông tin phản ánh rõ ràng về tình hình ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo ở 1 số quốc gia trong khu vực như Úc, Sing, Nhật, Hàn, Trung, Ấn. Đặc biệt là Ấn Độ khi tỉ lệ GAP là 631%.

workforce-gap-country.png

Ở Việt Nam, tôi chưa được đọc/tiếp cận các báo cáo chính thức về workforce GAP. Nhưng có thể điểm qua 1 số bài báo có đề cập đến vấn đề này, như:

  • Số liệu của Bộ TT-TT cho thấy hiện VN có khoảng 50.000 lao động làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), song nhu cầu trong lĩnh vực này vào khoảng 700.000 lao động - Báo thanhnien viết năm 2023
  • “Riêng tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê trong nước có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin năm 2020. Trong khi đến năm 2021, nhu cầu nhân lực ngành này đã vào khoảng 700.000.” - VNexpress viết năm 2022)

Đại ý là, dù số liệu vẫn còn đang mập mờ, nhưng tỉ lệ việc làm trong lĩnh vực ATTT đang rơi vào khoảng 7,14% tổng nhu cầu. GAP khoảng 600 nghìn nhân sự. Trong khi đó, mỗi một năm ước tính cả nước sẽ có khoảng từ 2 đến 5 nghìn sinh viên tốt nghiệp ngành ATTT.

“Nếu nhu cầu (600k) không đổi, nguồn cung giữ nguyên (5k cho xuề xoà) thì cần khoảng 100 năm để đáp ứng nhu cầu ngành ATTT trong nước 😃

Áp dụng 1 số công thức như lãi kép, cấp số cộng,.. thì ít cũng phải vài chục năm 😃

Thực sự thì tôi cũng không tin tưởng con số 700k này lắm. Vì workfore demand/workforce GAP ở 1 số nước trong khu vực là

Quốc giaWorkforce DemandWorkforce GAP
Úc143k39k
Sing77k6k
Hàn249k16k
Nhật388k56k

Nhưng cũng có 1 số tín hiệu tốt khi các trường ngày càng chú trọng vào đào tạo ATTT, ngày càng nhiều các em học sinh sinh viên đăng kí vào ngành ATTT, dẫn đến điểm đầu vào liên tục cao vun vút. Chính phủ cũng quan tâm, tạo điều kiện:

  • Tại Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021 - 2025  phê duyệt đầu tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ quan điểm: “Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ATTT là nội dung quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ATTT, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về ATTT theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế”. - Báo ATTT của Ban cơ yếu

Cơ hội

Theo tin không chính thức từ một vài người quen làm công việc tuyển dụng, thị trường tuyển dụng lao động ngành ATTT sôi nổi nhất là vào 1-2 năm trước (2021-2022), đi kèm với một số sự kiện liên quan đến kinh tế, chứng khoán, dịch covid, chuyển đổi số,… Lúc bấy giờ các công ty ra sức mạnh chi để thu hút những nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTT. Nhiều công ty còn cạnh tranh nhau đến mức phá giá thị trường, hòng mong mang về những chuyên gia giỏi.

Mức lương trung bình trong ngành ATTT ở khu vực APAC là khoảng 60k$/năm → tương đương 5k$/1 tháng. Ở Việt Nam, theo tôi biết, mức lương trung bình trong ngành rơi vào khoảng 30tr ~1,5k$/tháng.

apac-salary-range.png

Đến nay, tỉ lệ nhu cầu tuyển dụng bớt nóng hơn nhưng vẫn rất khó tìm người phù hợp. Mặt bằng chung về budget giảm, nhu cầu chuyển đổi dịch vụ sang cloud gia tăng (nhưng kinh nghiệm hạn chế), …

Đa số nhân sự đầu quân cho các tổ chức/công ty tư nhân, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, 1 số công ty dịch vụ đầu ngành,… mà rất ít người đầu quân cho các đơn vị nhà nước, chính phủ. Mỗi nơi đều có những ưu, nhược điểm riêng mà tôi không đề cập đến (do bản thân chưa trải nghiệm đủ).

Theo báo cáo của ICS2, hầu hết các công ty cố gắng giữ chân nhân sự bằng cách tạo ra môi trường, văn hoá, đào tạo, … thay vì chỉ ra sức chi tiền để tăng lương. Cũng đúng, vì bạn trả lương cao thì có công ty khác cạnh tranh sẵn sàng trả lương cao hơn để phục vụ nhu cầu về ATTT của họ.

prevent-mitigate-staff-shortages.png

Ngoài ra, theo network của cá nhân tôi, nhiều người tôi quen biết đang làm remote cho các công ty ở nước ngoài, đa số là các công việc liên quan đến Research. Bên cạnh đó, vẫn có 1 số cơ hội làm remote trong các mảng khác nếu như tiếng Anh và năng lực của bạn đủ tốt. Riêng mảng DFIR, tôi vẫn thấy có nhiều cơ hội từ Úc, Sing, Hongkong…

example-HR.png

Nhìn chung, cơ hội hiện tại ở Việt Nam và cả trong khu vực đều không hề thiếu, thậm chí cần rất nhiều, quan trọng là khả năng của bạn có đáp ứng được hay không.

Lời khuyên (cho các bạn sinh viên trẻ)

Theo ICS2, những yếu tố quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm là:

what-is-most-important-qualifications.png

Nhưng theo cá nhân tôi nghĩ, để trở thành 1 ứng viên tiềm năng trong mắt người tuyển dụng, bạn nên bổ sung/trau đồi 1 số kỹ năng như:

  • Kỹ năng giải quyết vấn đề
    • tham gia các thử thách trong CTF (tìm đội chơi trong trường và cả ngoài trường)
    • đăng ký tham gia các training-platfrom như HTB, Tryhackme, …
  • Trau dồi kiến thức về các khái niệm, công việc trong ngành An ninh mạng
    • học tốt các môn cơ bản trên trường (nhiều người đang mắc sai lầm khi bỏ qua điều này)
    • chủ động đọc các paper, sách vở liên quan đến công việc bạn theo đuổi, …
    • chủ động tiếp cận công nghệ, kỹ thuật (attack/defense) mới
  • Kỹ năng lập trình
    • Python, Go
    • C/C++
    • Scripting, …
  • Ngoại ngữ
    • tiếng Anh → must
    • tiếng Trung → should
    • tiếng Nhật, … → nice
  • Kỹ năng mềm
    • báo cáo, thuyết trình, làm việc nhóm,…
  • Kinh nghiệm làm việc
    • hãy cố gắng đi thực tập từ sớm, khi được thực tập, hãy vui vẻ đón nhận bất kỳ việc gì được giao (liên quan đến công việc) với suy nghĩ làm tốt nhất những gì bản thân có thể → đây là key point sẽ xây dựng kinh nghiệm làm việc của bạn
    • nếu bạn tự ti về kinh nghiệm & kiến thức của mình, hãy chủ động apply 3-6 tháng 1 lần, để nếu trượt bạn vẫn biết bản thân mình đang ở mức nào so với kỳ vọng của công việc, từ đó biết được bản thân cần bổ sung những kiến thức gì. Nếu đang thực tập, chủ động hỏi quản lý, mentor về những thử thách/lời khuyên để phát triển kinh nghiệm (growth, skill, …)
    • “hãy cho nhà tuyển dụng xem những gì bạn muốn họ nhìn thấy” → những post facebook pose dáng boy/girl phố đều như vắt tranh? những story đan xen dày dặn đều hơn cả vết chỉ máy khâu? … hay những blog (nhỏ) viết về những gì bạn đã tìm hiểu, học được trong ngành? (Bản thân tôi biết 1 số em nhỏ ngay từ cấp 3 đã chủ động dấn thân tìm hiểu về lĩnh vực ATTT, có những blog kỹ thuật chuyên sâu vô cùng chất lượng, được nhiều chuyên gia trong giới đánh giá cao)

Kết

  • Tỉ lệ nhân sự ngành An toàn thông tin ở Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là nhân sự chuyên môn tốt. Hãy xác định rõ target của bản thân và cố gắng phấn đấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
  • Blog của tôi (hiện đang) tập trung hướng đến đối tượng là các bạn trẻ chưa có nhiều kiến thức & kinh nghiệm trong ngành, nhằm mục tiêu lan toả kiến thức, chung tay vào việc xây dựng đội ngũ nhân sự ATTT nước nhà.
This post is licensed under CC BY 4.0 by the author.